Tương quan giữa các loại tài sản trên thị trường Forex
Tương quan giữa 2 hay nhiều tài sản trên thị trường tài chính là khi một tài sản tăng giá thì tài sản kia lại giảm giá. Khi giao dịch Forex Bạn có bao giờ để ý, khi một cặp tiền tệ nào đó tăng thì sẽ có một cặp khác giảm hoặc ngược lại không?
Nếu đã từng thì bạn đã chứng kiến một mối tương quan tiền tệ. Hãy cùng chúng tôi bàn luận về vấn đề tương quan trong thị trường tài chính nói chung và thị trường forex nói riêng trong bài viết này nhé!
Tương quan tiền tệ
Trong thị trường tài chính, tương quan là công cụ thống kê hai cặp tỷ giá di chuyển (biến động) trong mối quan hệ với nhau. Tương quan tiền tệ (currency correlation) cho chúng ta biết liệu hai cặp tỷ giá di chuyển theo cùng một hướng, ngược chiều hay là ngẫu nhiên trong một khoảng thời gian nhất định.
Một ví dụ về tương quan nghịch là tình huống trong đó kỳ vọng của các nhà giao dịch trái ngược nhau, như trường hợp EURUSD và USDCHF. Trong hình sau, chúng ta có thể quan sát thấy hình ảnh phản chiếu của các cặp tiền tệ:
Khi giao dịch Forex, điều quan trọng cần nhớ là bạn đang giao dịch theo cặp, nên sẽ không có cặp tiền tệ nào cô lập hoàn toàn.Việc tìm hiểu cách các cặp tiền tệ khác nhau di chuyển so với nhau ra sao sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn khách quan hơn trong phân tích, giảm thiểu mức độ rủi ro khi giao dịch Forex. Điều bạn cần làm là trang bị kiến thức để có thể tồn tại trên thị trường tài chính khốc liệt này.
Cách tận dụng tương quan tiền tệ
Thông thường, sự tương quan được sử dụng để xác nhận độ chính xác của phân tích. Bạn có thể quan sát hành vi của một cặp tiền cụ thể và dựa vào đó để đưa ra kết luận về cặp tiền tương quan với nó. Càng nhiều giao dịch chuyển động theo cùng một hướng, thì khả năng thiết lập một xu hướng mới càng cao, từ đó cơ hội giao dịch thành công cũng tăng lên. Bằng cách này, bạn sẽ thêm tự tin khi thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc.
Tương quan của các cặp tiền tệ có thể làm tăng gấp đôi cả lợi nhuận hoặc thua lỗ của bạn. Hãy xem xét một ví dụ về tương quan thuận. Ví dụ: bạn chịu rủi ro 5% tiền gửi và mở lệnh giao dịch trên các cặp tiền tương quan thuận EUR/USD và EUR/GBP. Trong trường hợp này, tổng rủi ro của hai giao dịch sẽ không phải là 5%, mà là 10%. Tuy nhiên, số tiền lợi nhuận cũng sẽ tăng gấp đôi.
Chiến lược tương quan tiền tệ forex
Giao dịch với các cặp tiền tương quan Forex khá đơn giản. Tùy thuộc vào cặp tiền tệ bạn đang giao dịch, hãy chú ý đến các cặp tiền tệ khác có đồng tiền định giá giống với công cụ tài chính của bạn. Bạn sẽ phải xem xét cẩn thận biểu đồ giá của các cặp tiền tệ tương quan với nhau. Nếu bạn thấy rõ là giá của một cặp sẽ giảm thì đừng mua tiền tệ tương quan với cặp này. Bằng phương pháp này, bạn có thể lọc ra các tín hiệu giả một cách đáng tin cậy.
Ví dụ:
Giả sử cặp tiền giao dịch của bạn là GBPUSD (Bảng Anh và Đô la Mỹ). Đô la Mỹ là một loại tiền tệ đặc biệt, vì nó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhiều loại tiền tệ trên thế giới. Trong trường hợp này, nên chú ý đến biểu đồ giá của cặp EURUSD (euro và đô la Mỹ) trước khi đưa ra quyết định giao dịch. Ngoài ra, đừng quên chú ý đến tin tức. Mặc dù bạn đang giao dịch bằng đồng bảng Anh, nhưng dữ liệu quan trọng về đồng tiền châu Âu có thể có ảnh hưởng lớn đến bảng Anh. Đây sẽ là biểu hiện thực sự của tương quan tiền tệ. Hãy luôn chú ý đến những gì xảy ra với các loại tiền tệ tương quan với công cụ giao dịch của bạn – đây là bản chất của việc giao dịch các cặp tiền tương quan Forex.
Đồng Đô la Mỹ và Vàng
Như chúng ta đã biết, cả Vàng và đồng Đô la Mỹ (USD) đều được coi là những tài sản trú ẩn an toàn. Tuy thế mà, trong điều kiện bình thường, chúng lại có mối tương quan – Vàng sẽ hạ giá khi đồng Đô la Mỹ (USD Index) tăng giá, và ngược lại.
Vì sao hai loại tài sản này lại có biến động trái chiều? Lý do nằm ở dòng vốn của các nhà đầu tư. Khi thị trường ổn định, các nhà đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn; họ thường sẽ ưu tiên đầu tư vào các loại trái phiếu hoặc chứng khoán của Mỹ vì chúng có thể đem đến mức sinh lời tốt. Các loại tài sản trú ẩn như Vàng, vì vậy, sẽ bị bán ra với mục đích đổi lấy Đô la Mỹ để có thể mua cổ phiếu hoặc trái phiếu Mỹ. Điều này khiến cho giá trị của đồng Đô la Mỹ tăng lên; trong khi đó, giá trị của Vàng sẽ giảm xuống.
Ngược lại, khi thị trường không ổn định, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên mua vào những tài sản trú ẩn an toàn. Họ sẽ bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu Mỹ để đổi lấy Đô la Mỹ, sau đó sử dụng đồng tiền này để mua các tài sản an toàn như Vàng hoặc một số loại tiền tệ trú ẩn an toàn khác như yên Nhật hoặc Franc Thụy Sĩ. Điều này khiến cho giá trị của Vàng tăng lên, còn giá trị của đồng Đô la Mỹ giảm xuống.
Mối quan hệ giữa đồng Đô la Mỹ và Vàng có thể bị phá vỡ trong một số điều kiện nhất định. Ví dụ, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư có thể sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với các tài sản an toàn như nợ của chính phủ Mỹ. Điều này khiến cho giá trị của cả đồng Đô la Mỹ và Vàng đều tăng lên.
Các chỉ số chứng khoán và đồng Franc Thụy Sĩ/Yên Nhật
Các chỉ số chứng khoán có mối tương quan tiêu cực với đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) và đồng Yên Nhật (JPY). Lý do là bởi vì hai đồng tiền này thường được coi là loại tiền trú ẩn an toàn. Khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định, dòng vốn của các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển từ các tài sản an toàn sang các tài sản rủi ro như cổ phiếu, khiến cho nhu cầu và giá trị của những đồng tiền này bị giảm xuống. Ngược lại, khi nền kinh tế toàn cầu trở nên không ổn định, dòng vốn của các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang những đồng tiền này và làm cho giá trị của chúng tăng lên.
Kết luận
Trên đây là những mối tương quan phổ biến trên thị trường tài chính. Hãy luôn ghi nhớ những mối tương quan này; chúng sẽ giúp bạn phán đoán xu hướng thị trường tốt hơn.