Archives March 2025

giá vàng
Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng năm 2025
​​​​​​​Giá vàng trong nước có thể tăng từ 7 – 8% trong năm 2025, nếu mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế không thay đổi

Việc phát triển công cụ tài chính mới và điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, có thể giúp ổn định thị trường vàng và giảm rủi ro vĩ mô.

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng

Năm 2025, giá vàng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố trong và ngoài nước, bao gồm giá vàng thế giới, đồng đô la Mỹ, chính sách tiền tệ, nhu cầu vàng trong nước và tình hình lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần có cái nhìn toàn diện hơn để phát triển các chính sách phù hợp, giảm thiểu rủi ro tài chính và ổn định thị trường vàng.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng trong năm 2025 là giá vàng thế giới. Dù Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách kiểm soát nhằm hạn chế đầu cơ vàng, giá vàng quốc tế vẫn có tác động lớn đến thị trường trong nước thông qua hoạt động nhập khẩu.

Mới đây nhất, Goldman Sachs đã một lần nữa điều chỉnh nâng mức dự báo giá vàng lên mức 3.300 USD/ounce vào cuối năm 2025 so với mức 2.890 USD/ounce và 3.100 USD/ounce như đã dự báo trước đó, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới, đặc biệt là từ các quốc gia mới nổi, vẫn duy trì hoạt động bổ sung vàng vào dự trữ. Điều này có thể dẫn đến việc giá vàng trong nước tăng từ 7 – 8% trong năm 2025, nếu mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế không thay đổi.

Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ lại có ảnh hưởng kép đến giá vàng. Đồng USD yếu đi có thể tạo áp lực làm tăng giá vàng quốc tế, bởi vàng thường có mối quan hệ nghịch chiều với USD. Đồng thời, sự suy yếu của USD cũng có thể làm giảm tỷ giá USD/VND, giúp giảm chi phí nhập khẩu vàng và tác động ngược lại đến giá vàng trong nước. Tuy nhiên, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát biến động tỷ giá, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến giá vàng.

Chính sách tiền tệ và quản lý thị trường vàng cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Lãi suất thấp trong những năm qua đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư như vàng và bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, dự báo trong năm 2025, với sự phục hồi của nền kinh tế và xu hướng lãi suất có thể tăng nhẹ, dòng vốn đầu cơ có thể giảm bớt. Hơn nữa, các biện pháp hành chính của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường vàng, như siết chặt nhập khẩu và điều chỉnh chênh lệch giá, sẽ giúp giảm bớt tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường.

giá vàng

Nhu cầu vàng trong nước cũng tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong việc xác định giá vàng. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ trong nhu cầu vàng vào quý III/2024 do giá vàng tăng cao, nhưng vàng vẫn được xem là một kênh đầu tư an toàn và phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Khi lạm phát gia tăng, người dân thường tìm cách bảo vệ tài sản bằng cách tích trữ vàng, một xu hướng đã được chứng minh qua các giai đoạn khủng hoảng trước đây.

Cuối cùng, lạm phát là yếu tố không thể bỏ qua trong năm 2025. Vàng được coi là công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát, khi nền kinh tế đối mặt với áp lực giá cả tăng cao. Nếu lạm phát tại Việt Nam duy trì ở mức cao trong năm 2025, nhu cầu nắm giữ vàng sẽ tăng lên. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nhu cầu vàng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia phát triển như Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn phải đối mặt với lạm phát cao hơn mức mục tiêu.

Rủi ro và khuyến nghị chính sách

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cũng cần đối mặt với các rủi ro tài chính vĩ mô. Việc phụ thuộc vào vàng như một công cụ đầu tư chính có thể tạo ra những biến động mạnh mẽ, nhất là khi giá vàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu như sự biến động của đồng bạc xanh hay tình hình địa chính trị.

Sự thiếu hụt các kênh đầu tư thay thế phù hợp cũng có thể khiến vàng trở thành tài sản đầu cơ, gây méo mó thị trường. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vàng sẽ tạo ra áp lực lên tỷ giá và cán cân thanh toán, nếu giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh mà không có sự điều tiết hợp lý từ Chính phủ.

Khi so sánh với các quốc gia khác, có thể thấy một số bài học đáng chú ý. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có lượng tiêu thụ vàng lớn, nhưng họ đã có chiến lược dài hạn để điều tiết thị trường vàng. Trung Quốc, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nhờ đó giảm thiểu tình trạng đầu cơ và giảm áp lực nhập khẩu vàng.

Ngoài ra, Singapore lại đi theo hướng phát triển thị trường vàng tài chính, khuyến khích đầu tư vàng thông qua các sản phẩm tài chính như ETF vàng, thay vì chỉ dựa vào vàng vật chất. Điều này giúp giảm bớt tác động của những biến động giá vàng và giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận vàng mà không phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung.

Hay tại Thái Lan và Indonesia đã phát triển các cơ chế điều tiết tỷ giá và sử dụng các công cụ phái sinh để giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá vàng. Những quốc gia này đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm tài chính thay thế để người dân không quá phụ thuộc vào vàng vật chất.

Để giải quyết những thách thức trong việc quản lý giá vàng và giảm thiểu các rủi ro tài chính, Việt Nam có thể tham khảo một số chính sách từ các quốc gia trên:

Thứ nhất, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm vàng tài chính như ETF vàng, chứng chỉ vàng… Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự đầu cơ vào vàng vật chất mà còn tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận vàng dễ dàng và an toàn hơn.

Thứ hai, cần có chính sách linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giúp giảm bớt tình trạng đầu cơ và các giao dịch không minh bạch.

Thứ ba, Việt Nam cần phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các công cụ này sẽ giúp ổn định tỷ giá và giảm thiểu rủi ro khi giá vàng quốc tế biến động mạnh.

Thứ tư, Chính phủ cũng nên khuyến khích các kênh đầu tư thay thế như chứng khoán, bất động sản và các sản phẩm tài chính khác để giảm sự phụ thuộc vào vàng, tạo ra sự đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của người dân.

Nhìn chung, năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức đối với thị trường vàng Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua việc phát triển các công cụ tài chính mới và điều chỉnh các chính sách tiền tệ, Việt Nam có thể ổn định thị trường vàng và giảm thiểu các rủi ro tài chính vĩ mô. Các chính sách linh hoạt, kết hợp với việc học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, sẽ giúp thị trường vàng Việt Nam trở nên minh bạch và ổn định hơn trong tương lai.

nguồn: 24hmoney

FED
Fed giữ nguyên lãi suất, nhà đầu tư cần lưu ý gì ?

Giá vàng tăng vọt, liên tiếp lên mức cao kỷ lục mới dù Fed giữ nguyên lãi suất sau 3 lần giảm trước đó trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang.

Fed giữ nguyên lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đêm qua (19/3) quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4,25-4,5%/năm dù chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2 tăng yếu hơn dự báo, ở mức 2,8% so với cùng kỳ.

Lạm phát ổn hơn, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ có nguy cơ tăng do căng thẳng thương mại và địa chính trị – đây là yếu tố khiến Fed thận trọng chưa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vốn đã được thắt chặt từ giữa năm 2022 sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thông thường, quyết định thận trọng của Fed sẽ khiến đồng USD tăng giá, qua đó gây áp lực lên giá vàng. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường đã khác. Đồng USD tiếp tục giảm giá và vàng leo thang lên mức cao kỷ lục mới.

Mặc dù nguy cơ lạm phát từ cuộc chiến thương mại là rất cao, nhưng Fed vẫn dự báo có thêm hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, với tổng mức giảm khoảng 50 điểm cơ bản.

Cũng trong cuộc họp đêm qua, các quan chức đã cập nhật dự báo lãi suất và kinh tế cho năm 2025 và đến năm 2027, điều chỉnh tốc độ giảm dần các khoản nắm giữ trái phiếu. Theo đó, Fed hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống chỉ còn 1,7% cho năm 2025, thay vì mức 2,1% như trước đó.

Fed cũng điều chỉnh dự báo lạm phát lõi lên 2,8%, cao hơn so với mức 2,5% như trước.

Sở dĩ Fed tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng là bởi “bầu không khí bất ổn hiện tại” và sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế đã tăng lên”. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ là tối đa hoá việc làm và kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Sự phân hóa còn rõ nét hơn trong các thành viên Fed. Trong cuộc họp, có tới 4 người đưa ra quan điểm không thay đổi lãi suất trong năm 2025, thay vì chỉ 1 người có quan điểm như vậy tại cuộc họp hồi tháng 12 năm ngoái.

Các dự báo cũng cho thấy, Fed sẽ có hai đợt giảm lãi suất trong năm 2026 và thêm một đợt vào năm 2027. Fed kỳ vọng lãi suất chuẩn dài hạn sẽ ổn định ở mức khoảng 3%.

Quyết định của Fed diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính Mỹ biến động mạnh ở đầu nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã tung ra một loạt các biện pháp thuế quan đối với thép, nhôm và nhiều mặt hàng khác đã tạo ra làn sóng lo ngại trên thị trường tài chính. Washington đe dọa tung thêm các biện pháp mạnh hơn vào đầu tháng tới.

Như vậy, Fed tiếp tục duy trì chính sách “tạm dừng”. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng như thế giới vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với tăng trưởng kinh tế chậm lại.

FED

Thị trường tài chính, hàng hóa thế giới ra sao?

Mặc dù không giảm lãi suất nhưng Fed vẫn phát tín hiệu khá rõ ràng về xu hướng nới lỏng tiền tệ trong năm 2025. Đây là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 380 điểm (tương đương tăng hơn 0,9%).

Chỉ số tầm rộng S&P 500 xoá bớt phần lớn mức giảm kể từ cuối tháng 2.

Thị trường chứng khoán Mỹ trước đó giảm rất mạnh và đã rơi vào vùng suy thoái. Dù vậy, theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, kinh tế Mỹ “nhìn chung đang mạnh mẽ và đã đạt được những tiến triển đáng kể”, “các điều kiện của thị trường lao động vững chắc, lạm phát đã tiến gần hơn mục tiêu dài hạn 2% dù còn ở mức cao”.

Ông Powell cũng cho biết bất kỳ tác động nào từ vấn đề thuế quan đối với lạm phát có thể chỉ là ngắn hạn, là “tạm thời”.

Tuy nhiên, vàng tiếp tục tăng giá và lập kỷ lục cao mới sau cuộc họp của Fed. Giá vàng giao ngay có lúc lên gần 3.055 USD/ounce (đỉnh cao lịch sử) và tới 8h30 sáng 20/3 ở mức 3.052 USD/ounce.

Vàng vẫn là loại tài sản thu hút dòng tiền khi lạm phát ở mức cao hoặc/và thị trường tài chính biến động mạnh. Lãi suất có xu hướng giảm và một đồng USD đang yếu dần cũng là yếu tố hỗ trợ cho vàng.

Bất ổn địa chính trị leo thang ở Trung Đông, trong khi tại Ukraine vẫn bất ổn khiến vàng tăng giá. Nga và Ukraine đang cáo buộc nhau vi phạm thoả thuận mới về việc kiềm chế tấn công các mục tiêu năng lượng chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Giá dầu đi ngang sau tuyên bố của Fed. Dầu Brent tăng nhẹ lên 70,8 USD/thùng, còn dầu WTI tăng 0,4% lên 67,2 USD/thùng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng trung ương sẽ theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế và sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cần thiết. Dù vậy, cũng nhiều người lo ngại về cụm từ “tạm thời” của ông Powell khi nói tác động của thuế quan đối với lạm phát.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (năm 2021-2022), Powell cũng từng mô tả đà tăng lạm phát là “tạm thời”. Nhưng trên thực tế, lạm phát đã lên tới 9,1% vào tháng 6/2022 và dai dẳng tới tận bây giờ.

Sáng 20/3, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng không thay đổi chính sách lãi suất khi các mối đe dọa thuế quan gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ (NDT). PBoC giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm ở mức 3,1% và kỳ hạn 5 năm ở mức 3,6%/năm.

nguồn: vietnamnet

Việt Nam sẽ thí điểm lập sàn giao dịch tiền số
Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tiền số hợp pháp

Chiều 5-3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về việc nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số, tiền số. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tại cuộc làm việc với Ban Chiến lược, chính sách Trung ương vào ngày 24-2 vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo – PV) là một vấn đề rất phức tạp, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Vấn đề này đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra khung khổ pháp lý khác nhau để hướng tới quản lý tất cả những hoạt động liên quan, đảm bảo minh bạch, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế.

Từ thực tiễn đặt ra, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số.

Thứ trưởn-g Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởn-g Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì cuộc họp nghe Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan báo cáo về tình hình tài sản số, tiền số và định hướng xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động này tại Việt Nam.

Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao ngay trong tháng 3-2025 báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết, cho phép thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền số để các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân… tại Việt Nam có nơi giao dịch, đầu tư mua bán.

Sàn giao dịch được tổ chức bởi những đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào thị trường tiền số” – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, các cơ quan, tổ chức liên quan để sớm xây dựng quy định pháp quy, pháp luật cho phép các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam phát hành tài sản số của mình để huy động nguồn lực tài chính, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển hoạt động của tổ chức đó.

Điều này, theo ông Chi, sẽ giúp phát triển chung đối với nền kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng, bắt kịp xu thế chung của thế giới, khu vực về phát triển tài sản số, tiền số.

Dù chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý nhưng thị trường giao dịch tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo – PV) đặc biệt là tiền số phổ biến như Bitcoin (BTC), Ethereum… vẫn diễn ra sôi động. Các loại tiền số được mua bán, đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhất là khi đồng tiền số Bitcoin có biến động mạnh về giá.

Tại Việt Nam, các cá nhân có thể thực hiện hoạt động mua bán, đầu tư các đồng tiền số như Bitcoin khá đơn giản thông qua các sàn giao dịch phổ biến như Binance, Remitano… với nhiều phương thức khác nhau. Hay mới đây, sau hơn 6 năm ra đời, dự án tiền ảo Pi đã chính thức chuyển sang Open Network để người chơi có thể giao dịch ra bên ngoài nền tảng.

Hiện tại, các sàn giao dịch tiền số lớn trên thế giới như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… đều đã hỗ trợ giao diện tiếng Việt. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỉ USD mỗi ngày. Riêng sàn Binance cao điểm đạt hơn 100 tỉ USD (tương đương hơn 2,5 triệu tỉ đồng).

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản số, tiền số. Việc sớm quản lý với loại tài sản này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, giúp kiểm soát chủ quyền tiền tệ, giảm rủi ro thất thu thuế cũng như ngăn chặn rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố…

nguồn: 24h