Việt Nam sẽ thí điểm lập sàn giao dịch tiền số
Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tiền số hợp pháp

Chiều 5-3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về việc nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số, tiền số. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tại cuộc làm việc với Ban Chiến lược, chính sách Trung ương vào ngày 24-2 vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo – PV) là một vấn đề rất phức tạp, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Vấn đề này đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra khung khổ pháp lý khác nhau để hướng tới quản lý tất cả những hoạt động liên quan, đảm bảo minh bạch, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế.

Từ thực tiễn đặt ra, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số.

Thứ trưởn-g Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởn-g Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì cuộc họp nghe Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan báo cáo về tình hình tài sản số, tiền số và định hướng xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động này tại Việt Nam.

Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao ngay trong tháng 3-2025 báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết, cho phép thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền số để các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân… tại Việt Nam có nơi giao dịch, đầu tư mua bán.

Sàn giao dịch được tổ chức bởi những đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào thị trường tiền số” – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, các cơ quan, tổ chức liên quan để sớm xây dựng quy định pháp quy, pháp luật cho phép các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam phát hành tài sản số của mình để huy động nguồn lực tài chính, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển hoạt động của tổ chức đó.

Điều này, theo ông Chi, sẽ giúp phát triển chung đối với nền kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng, bắt kịp xu thế chung của thế giới, khu vực về phát triển tài sản số, tiền số.

Dù chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý nhưng thị trường giao dịch tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo – PV) đặc biệt là tiền số phổ biến như Bitcoin (BTC), Ethereum… vẫn diễn ra sôi động. Các loại tiền số được mua bán, đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhất là khi đồng tiền số Bitcoin có biến động mạnh về giá.

Tại Việt Nam, các cá nhân có thể thực hiện hoạt động mua bán, đầu tư các đồng tiền số như Bitcoin khá đơn giản thông qua các sàn giao dịch phổ biến như Binance, Remitano… với nhiều phương thức khác nhau. Hay mới đây, sau hơn 6 năm ra đời, dự án tiền ảo Pi đã chính thức chuyển sang Open Network để người chơi có thể giao dịch ra bên ngoài nền tảng.

Hiện tại, các sàn giao dịch tiền số lớn trên thế giới như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… đều đã hỗ trợ giao diện tiếng Việt. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỉ USD mỗi ngày. Riêng sàn Binance cao điểm đạt hơn 100 tỉ USD (tương đương hơn 2,5 triệu tỉ đồng).

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản số, tiền số. Việc sớm quản lý với loại tài sản này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, giúp kiểm soát chủ quyền tiền tệ, giảm rủi ro thất thu thuế cũng như ngăn chặn rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố…

nguồn: 24h

Việt Nam có thể lập sàn giao dịch tài sản số
Việt Nam xem xét lập sàn giao dịch tài sản số

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định liên quan việc quản lý tiền số, tài sản số, chậm nhất trong quý II phải hoàn thành.

Có thể lập sàn giao dịch tài sản số

Kết luận tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiều 27/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình khu vực và quốc tế diễn biến rất nhanh, đang phân cực hóa, chủ nghĩa đa phương bị đe dọa.

Đồng thời, quá trình số hóa, xanh hóa cũng đang diễn ra nhanh chóng. Điều này yêu cầu Việt Nam phải thích ứng với diễn biến trên thế giới, khu vực.

Thủ tướng cho biết tình hình thay đổi thì mục tiêu thay đổi, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025 và 2 con số những năm tiếp theo. Để làm được điều này, không chỉ khu vực Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp FDI mà tất cả các cấp, ngành, loại hình, khu vực doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV phải tăng trưởng.

Liên quan việc quản lý tiền số, tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định, chậm nhất trong quý II phải hoàn thành.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đang được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng nghị định để quản lý tài sản mã hóa cũng như các tài sản số để hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng có nhu cầu, có thể có sàn giao dịch để thực hiện giao dịch tài sản số, tài sản mã hóa. Nội dung này, Bộ đang tích cực triển khai và sẽ trình các cấp trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết cơ chế thử nghiệm (sandbox), tài sản số, các công nghệ mới khác đã được đưa vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Việt Nam có thể lập sàn giao dịch tài sản số
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, cắt bỏ toàn bộ thủ tục rườm rà

Thủ tướng nhấn mạnh phải có chính sách tạo điều kiện cho DNNVV mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Các DNNVV cũng phải hành động quyết liệt, phấn đấu trở thành doanh nghiệp lớn.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng ủng hộ các đề xuất liên quan việc thành lập, vận hành các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần thủ tục thông thoáng, nhanh chóng nhưng quản lý chặt chẽ để không xảy ra tham ô, tham nhũng đồng thời yêu cầu nghiên cứu hợp nhất các quỹ để hoạt động hiệu quả.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các DNNVV tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp với kinh tế thị trường, với thực tiễn đất nước, xuất phát từ thực tiễn để đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Về phía Chính phủ và các bộ ngành, Thủ tướng nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị quyết mới của Trung ương về doanh nghiệp tư nhân, DNNVV, sau đó thể chế hóa, tổ chức thực hiện thật tốt. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, cắt bỏ toàn bộ thủ tục rườm rà, dứt khoát bỏ cơ chế xin cho làm nảy sinh tiêu cực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết trong giai đoạn cả thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách gia hạn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

Ông nêu đến nay, ngân sách dành để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900.000 tỷ đồng và đây là con số rất lớn trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn.

Năm 2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tiếp các giải pháp chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nhiều chính sách hiện nay đang tiếp tục được gia hạn thực hiện.

Liên quan tới đề xuất giảm thuế thu nhập cho tất cả DNNVV của một số đại biểu, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, về mức độ cụ thể, Bộ sẽ đánh giá để có báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ.

nguồn: Dân Trí